Thành phố Hồ Chí Minh xưa và nay

Thành phố Hồ Chí Minh luôn thay đổi không ngừng

Ngày đăng: 01-03-2017

908 lượt xem

Thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố năng động và phát triển từng ngày. Sau 40 năm phát triển và đổi thay với tên gọi Thành phố Hồ Chí Minh, hãy cùng nhìn lại một số góc ảnh về công trình, địa điểm vừa lưu giữ nét cổ xưa, vừa mang dấu ấn hiện đại của TP hơn 300 tuổi. Một số công trình cũng đã được xây dựng mới hoàn toàn để phù hợp với dáng vóc và sự phồn thịnh của đô thị trẻ. Sau đây là một số địa điểm mà bạn có thể một lần muốn ghé qua.

Chợ Bến Thành

 

Nguyên thủy, chợ Bến Thành đã có từ trước khi người Pháp xâm chiếm Gia Định. Ban đầu, vị trí chợ nằm bên bờ sông Bến Nghé. Bến này dùng cho khách vãng lai và quân nhân vào thành vì vậy có tên gọi là Bến Thành. Ngôi chợ mới do hãng thầu Brossard et Maupin khởi công xây dựng từ năm 1912 đến cuối tháng 3 năm 1914 thì hoàn tất. Chợ Bến Thành hoạt động liên tục trong 70 năm. Từ ngày 1 tháng 7 đến 15 tháng 8 năm 1985, chợ Bến Thành được cải tạo và sửa chữa lớn. Ngoài vẻ đẹp về mặt kiến trúc ra, chợ Bến Thành là địa danh chứng kiến biết bao thăng trầm nhưng đầy anh dũng của vùng đất hơn 300 năm tuổi.
Ngày nay, chợ tọa lạc ở một trong những vị trí đẹp nhất đó là trung tâm của Quận 1. Chợ Bến Thành đã và đang có nhiều đóng góp về mặt kinh tế, du lịch cũng như làm nâng cao hình ảnh của Thành phố.

Bưu điện thành phố

 

Ngày 11/11/1860, "sở Dây thép" Sài Gòn (tức Bưu điện Sài Gòn) được thành lập. Ngày nay, Bưu điện Thành phố vẫn giữ nguyên dáng dấp cổ kính như cách đây nhiều thập niên. Khác với các công trình kiến trúc đậm nét Pháp, Bưu điện Trung tâm Sài có nhiều đặc trưng của phong cách kiến trúc châu Âu kết hợp với châu Á. Nằm ở vị trí trung tâm của thành phố, vẻ đẹp độc đáo của toà nhà bưu điện thành phố càng được tôn lên. Trước mặt nó là nhà thờ Đức Bà với tháp chuông cao vút. Nhìn sang hai bên là những tòa nhà cao tầng hiện đại. Sự kết hợp hài hòa này biến nơi đây thành một địa điểm vừa mang nét đẹp cổ kính, lại vừa tràn ngập hơi thở của cuộc sống hiện đại.
Du khách đến đây, một phần để ngắm nét kiến trúc độc đáo của bưu điện này, được đắm mình vào một thế giới của sự cổ xưa, từ chiếc hòm bỏ thư, cho đến các quầy gọi điện thoại. Người ta cũng có thể nghỉ chân trên những chiếc ghế dài bằng gỗ đánh bóng véc-ni, mà tuổi đời dễ cũng cả trăm năm. Bước vào trong bưu điện, ngỡ như thời gian đang trôi rất chậm, bởi ở bất kỳ góc nào, cũng có thể bắt gặp một thoáng Sài Gòn xưa.

Hội trường Thống Nhất

 

Hội trường Thống Nhất là một địa danh lịch sử của thành phố Hồ Chí Minh. Nguyên thủy đây là dinh của Thống đốc Nam Kỳ thời Pháp thuộc có từ năm 1873, sau này là dinh của các toàn quyền Đông Dương cho đến năm 1945. Dinh có tên là dinh Norodom, được đặt theo tên của quốc vương Campuchia thời bấy giờ. Đại lộ phía trước dinh cũng gọi là đại lộ Norodom.

Năm 1955, dinh được đổi tên thành dinh Độc Lập. Năm 1962, dinh Độc Lập được xây dựng lại hoàn toàn như hiện nay, theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Năm 1975, dinh Độc Lập được đổi thành Hội trường Thống Nhất cho đến ngày nay.

Nhà hát thành phố

Nhà Hát Giao Hưởng – Nhạc, Vũ Kịch Thành Phố Hồ Chí Minh còn gọi là Nhà Hát Lớn Thành Phố Hồ Chí Minh (hay thường được biết đến với tên gọi Nhà hát Thành Phố) do người Pháp xây dựng hoàn tất vào ngày 17/1/1900. Các phù điêu bên trong được một họa sĩ tên tuổi ở Pháp vẽ giống như mẫu của các nhà hát ở Pháp cuối thế kỷ XIX. Nhà hát là nơi trình diễn ca nhạc kịch cho Pháp kiều xem. Ngày nay, Nhà hát lớn đã được tu sữa và chỉnh trang nhưng không mất phần cổ kính lộng lẫy và trở thành trung tâm, đa năng chuyên tổ chức biểu diễn sân khấu nghệ thuật, đồng thời cũng được sử dụng để tổ chức một số sự kiện lớn. Đây cũng là nhà hát thuộc loại lâu đời theo kiến trúc Tây Âu và được xem như một địa điểm du lịch của thành phố Hồ Chí Minh.

Trong tương lai, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ còn thay đổi hơn nữa vơi những công trình hội đủ những yếu tố như truyền thống, văn hóa, mang đậm bản sắc dân tộc nhưng vẫn hiện đại.

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha
02822486888