QUY TRÌNH VÀ NHỮNG LƯU Ý KHI THI CÔNG NHÀ XƯỞNG CÔNG NGHIỆP

Nhà xưởng công nghiệp là loại nhà xưởng được sử dụng để đáp ứng nhu cầu sản xuất ra sản phẩm phục vụ cho con người. Khi thiết kế nhà xưởng công nghiệp, người thiết kế phải phối hợp chặt chẽ với các kỹ sư công nghệ để nắm rõ những đặc điểm của dây chuyền sản xuất. Đồng thời cũng cần tìm hiểu các điều kiện thiên nhiên để tận dụng một cách tối đa (chiếu sáng tự nhiên, thông hơi tự nhiên, hướng nhà hợp lý...)

Ngày đăng: 12-05-2022

493 lượt xem

Nhà xưởng là tài sản vật chất có sức chứa và quy mô quản lý lớn, có thể là địa điểm tập trung nhân lực, trang thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ cho quá trình sản xuất, bảo quản, vận chuyển hàng hóa. Nhà xưởng có vai trò quan trọng đối với sản xuất và kinh doanh của một doanh nghiệp.

Hiện nay trên thị trường, nhà xưởng được phân loại khá đa dạng. Trong đó, cách phân loại theo vật tư thi công hiện nay được sử dụng nhiều nhất và cũng được thi công nhiều nhất. Nhà xưởng phân theo vật tư thi công bao gồm: Nhà xưởng công nghiệp khung thép tiền chế và nhà xưởng bê tông cốt thép.

CÁC YẾU TỐ CẦN LÀM RÕ TRƯỚC KHI THI CÔNG NHÀ XƯỞNG.

  • Nếu nhà xưởng nằm trên vùng đất cứng, thì khi thi công phần móng sẽ không cần gia cố móng như ép cọc, đóng cừ tràm. Ngược lại, nếu thi công móng nhà xưởng nằm trên vùng đất yếu, đất bùn thì phần gia cố móng rất quan trọng đối với việc xây dựng nhà xưởng công nghiệp.
  • Phần nền nhà xưởng thì tùy theo công năng sử dụng của nhà xưởng mà đơn vị thiết kế thi công nhà xưởng có cách bố trí thép sàn nhà xưởng sao cho hợp lý.
  • Phần đổ bê tông nhà xưởng theo độ dày 10cm, 20cm hay 50 cm cần phải xác định rõ theo hồ sơ thiết kế thi công, bởi có những nhà xưởng đặt máy móc, thiết bị sản xuất có tải trọng nặng. Sàn bê tông sau khi đổ xong cần được đánh bóng, để đảm bảo kết cấu đồng thời chống bám bụi và dễ vệ sinh.
  • Phần cột thép, kèo thép nhà xưởng phải thiết kế vừa phải tránh bố trí thép thiếu hoặc dư. Theo tiêu chuẩn thiết kế nhà xưởng thông thường thì 1m khoảng 20-32kg thép tùy theo quy mô nhà xưởng, mức độ đầu tư tài chính.

HAI DẠNG NHÀ XƯỞNG CÔNG NGHIỆP CHÍNH

1. Nhà xưởng công nghiệp một tầng

  • Loại nhà nhịp bé, có chiều cao thường là từ 4m đến 7m. Nhịp lớn thường dùng trong các ngành công nghiệp nặng được trang bị cầu trục. Có loại một nhịp và có loại nhiều nhịp, có loại cùng một độ cao có loại có nhiều độ cao khác nhau. Để chiếu sáng tự nhiên cho nhà nhiều nhịp, có thể dùng các loại cửa mái. Tùy theo vị trí của cửa mái mà ta có cửa mái ngang hay mái dọc (cửa mái ngang hiện nay ít được sử dụng bởi có cấu tạo phức tạp).
  • Nhờ sử dụng và tổ hợp kết cấu một cách khéo léo, linh hoạt nên ta có thể tạo được những hình thức phong phú của nhà xưởng công nghiệp 1 tầng: nhà xưởng 1 mái dốc, nhà xưởng 2 mái dốc, nhà xưởng nhiều nhịp, nhà xưởng máy răng cưa, nhà xưởng mái vòm…. Mái nhà xưởng có nhiều cao độ khác nhau như mái hình nóc, mái hình chữ M, mái hỗn hợp.

>>> Bài viết tham khảo: KẾT CẤU NHÀ CÔNG NGHIỆP MỘT TẦNG

2. Nhà xưởng công nghiệp nhiều tầng

  • Vì cấu tạo phức tạp của sàn trung gian lưới cột, nhà công nghiệp nhiều tầng thường tương đối bé. Nhà xưởng công nghiệp nhiều tầng cũng có thể thiết kế theo kiểu nhà vạn năng.

QUY TRÌNH THI CÔNG NHÀ XƯỞNG CÔNG NGHIỆP

Giai đoạn 1: Tiếp nhận hồ sơ thi công nhà xưởng

Bước 1: Tiếp nhận và trao đổi thông tin về dự án

  • Thông tin về dự án được cung cấp từ chủ đầu tư. Ngoài ra chủ thầu cũng chủ động trong việc tìm hiểu thông tin qua nhiều kênh.
  • Những thông tin quan trọng về một dự án mà mọi người cần phải nắm: quy mô, tiến độ thi công, phải biết được người mình cần liên hệ trực tiếp về dự án.
  • Tiếp nhận hồ sơ thi công là bước quan trọng để tiến hành lập dự toán.

Bước 2: Báo giá thi công

  • Kiểm tra hồ sơ thiết kế nhà xưởng do chủ đầu tư bàn giao.
  • Tiến hành bóc tách hồ sơ kỹ thuật thi công, bao gồm vật tư sử dụng cho từng hạng mục cụ thể.
  • Lên phương án thi công theo hồ sơ.
  • Tính khối lượng thi công và báo giá.

Bước 3: Ký hợp đồng thi công

  • Khi bên chủ đầu tư chấp thuận báo giá thi công, tiến hành ký hợp đồng, hai bên sẽ bàn bạc về các điều khoản và tiến độ thi công theo hợp đồng.
  • Hợp đồng thi công nhà xưởng phải ghi rõ điều khoản thanh toán cũng như thời gian sản xuất và lắp dựng dự án.

Giai đoạn 2: Tiến hành gia công cấu kiện thép

Bước 1: Chuẩn bị cho công tác gia công

  • Kỹ sư phải xem hồ sơ, triển khai bản vẽ cho ra các chi tiết các cây thép, từng cấu kiện.
  • Lên kế hoạch và đặt hàng thép hình, thép tấm chờ về nhà máy chuẩn bị cho công tác gia công.

Bước 2: Gia công cấu kiện tại nhà máy

  • Tiến hành kiểm tra và đánh giá chủng loại thép, quy cách xuất xứ vật tư đúng như hồ sơ kỹ thuật. Sau khi tất cả được kiểm tra và không có vấn đề gì ta tiến hành công tác gia công.
  • Quy trình gia công cấu kiện thép để phục vụ vào xây nhà xưởng công nghiệp:

+ Cắt thép: khi cắt thép phảo mời tư vấn giám sát của chủ đầu tư đến chứng kiến lấy mẫu thí nghiệm.

+ Ráp tổ hợp: ráp các miếng thép thành hình cấu kiện.

+ Hàn tổ hợp cấu kiện

+ Vệ sinh các cấu kiện, chuẩn bị phun bi.

+ Tiến hành sơn chống rỉ.

+ Chờ sơn chống rỉ khô, ta sơn hoàn thiện, chiều dày sơn phải đảm bảo đúng với thiết kế.

+ Khi sơn hoàn thiện đã khô, để đảm bảo vật tư không bị bụi và ảnh hưởng của thời tiết, ta tiến hành bọc một lớp nilon chống bụi đồng thời đánh số cấu kiện trên vị trí lắp đặt.

+ Hàng đã sản xuất xong thì tập kết ra công trường.

Giai đoạn 3: Thi công lắp dựng kết cấu thép tại công trường

Bước 1: Thi công nền móng

  • San lắp đất nền: đây là việc đầu tiên nhà thầu cần làm, tùy theo độ cao của nền đất hiện hữu mà nhà thầu triển khai san lắp nền phù hợp với bản vẽ kỹ thuật thi công.
  • Định vị trục tim: công tác này rất quan trọng. Sau này các vị trí móng cột sẽ theo tim trục này mà thi công dựa trên bản vẽ.
  • Thi công móng và đà kiềng: sau khi có tim trục thì sẽ thi công móng. Thông thường móng nhà xưởng được thiết kế là móng đơn hay móng cọc, vật liệu là bê tông cốt thép. Các bu lông cột được chôn trong móng chờ sẵn, sau này lắp ghép với cột thép.
  • Lu nền: nền đất được san lấp, sau đó lu lèn cho đúng độ chặt mà thiết kế yêu cầu.
  • Lu nền đá cho xưởng: nền nhà xưởng thường là bê tông cốt thép đặt trên nền đá đã được lu lèn đủ độ chặt. Chiều dày lớp đá do thiết kế quy định.
  • Thi công nền xưởng: thực hiện công tác cốt thép, đổ bê tông. Công tác bảo dưỡng bê tông sau khi đổ rất quang trọng, phải thực hiện đúng quy định để tránh nứt bê tông sàn.

Bước 2: Thi công khung thép

  • Các bộ phận kết cấu thép được gia công tại nhà máy với chất lượng được kiểm soát chặt chẽ sau đó vận chuyển ra công trường. Tại công trường, chúng được lắp ghép với nhau tạo thành khung thép. Đây là bộ phận xương sống của nhà xưởng.
  • Lắp dựng khung thép: thường dùng cần cẩu nâng và đặt các bộ phận kết cấu thép vào vị trí. Các bộ phận kết nối với nhau bằng bu lông.
  • Lắp dựng xà gồ và cáp giằng: lắp hệ giằng đảm bảo ổn định ngoài mặt phẳng khung. Hệ xà gồ cũng có tác dụng tăng cường độ ổn định của khung thép và dùng để nâng đỡ tấm lợp.

Bước 3: Thi công vỏ bao che

  • Vỏ bao che nhà xưởng bao gồm phần tường và mái. Tiến hành xây tường bao che,  thi công mái tôn cho nhà xưởng công nghiệp theo hồ sơ kỹ thuật trước đó.

Bước 4: Thi công hạ tầng

  • Hạ tầng nhà xưởng bao gồm: đường giao thông, ống cấp thoát nước. Nền đường cần được lu lèn đạt yêu cầu để chịu được các loại xe tải trọng lớn lưu thông.
  • Lắp ống thoát nước.
  • Lu nền đường, lu đá nền đường.
  • Bảo dưỡng bê tông nền đường, cắt ron chống nứt.

Bước 5: Thi công hệ thống kỹ thuật

  • Hệ thống kỹ thuật bao gồm hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống điện, hệ thống kỹ thuật phục vụ sản xuất.
  • Thi công bể chứa nước ngầm phục vụ PCCC.
  • Lắp đặt hệ thống chữa cháy.
  • Đi âm đường truyền hệ thống thông tin liên lạc.

Bước 6: Hoàn thiện

  • Kẻ vạch phân làn giao thông trong xưởng
  • Đóng trần thạch cao nhà văn phòng.
  • Trồng cỏ, tạo mảng xanh xung quanh nhà xưởng, nâng cao tính thẩm mỹ của nhà xưởng.

Bước 7: Nghiệm thu và bàn giao

  • Nhà xưởng được làm vệ sinh tổng thể trước khi bàn giao cho chủ đầu tư. Tiến hành nghiệm thu và bàn giao công trình hoàn thiện.

CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN ĐƠN GIÁ XÂY DỰNG NHÀ XƯỞNG

1. Loại hình nhà xưởng

Nhà xưởng công nghiệp có nhiều loại hình khác nhau như nhà xưởng bê tông cốt thép, nhà xưởng thép tiền chế, nhà xưởng làm kho hàng, chứa vật liệu…tùy vào công năng, mục đích sử dụng mà có những đơn giá khác nhau.

2. Quy mô thi công nhà xưởng

Tùy vào diện tích nhà xưởng sẽ có những đơn giá xây dựng khác nhau, với diện tích càng lớn chi phí đơn giá/m2 sẽ nhở thấp hơn diện tích nhỏ.

3. Mẫu thiết kế nhà xưởng

  • Việc lựa chọn mẫu thiết kế hiện đại, sử dụng vật liệu chắc chắn, cao cấp sẽ làm gia tăng chi phí xây dựng.
  • Sử dụng thiết kế đơn giản nhưng vẫn đáp ứng công năng sử dụng, hệ thống chiếu sáng, thông gió sẽ tiết kiệm chi phí xây dựng.

4. Vật liệu xây dựng thi công nhà xưởng

Tùy vào mục đích của nhà xưởng mà lựa chọn những vật liệu khác nhau sao cho phù hợp nhất. Đối với nhà xưởng sản xuất thực phẩm, gia công cơ khí hay thiết bị điện tử, thường có yêu cầu cao về vật liệu, chi phí xây dựng sẽ cao hơn nhà xưởng thông thường.

5. Địa điểm xây dựng nhà xưởng

  • Vị trí, địa điểm có ảnh hưởng không nhỏ đến đơn giá xây dựng. Nếu nhà xưởng xây dựng trên nền đất tốt, bằng phẳng thì sẽ giảm phần chi phí gia cố nền móng còn ngược lại nhà xưởng nằm trên vị trí địa chất yếu, bùn chảy thì sẽ phải chi phí gia cố nền móng như ép cọc, cờ tràm…
  • Địa điểm xây dựng có thuận tiện cho việc vận chuyển vật tư thi công, đường điện, nước phục vụ thi công có sẵn hay không cũng ảnh hưởng đến đơn giá thi công công trình.

6. Thời gian thi công nhà xưởng

Thời gian thi công nhà xưởng công nghiệp kết cấu thép diễn ra tương đối nhanh từ 3 đến 6 tháng. Máy móc và dây chuyền sản xuất được chủ đầu tư đưa vào để triển khai sản xuất ngay. Đôi khi vì nhu cầu tiến độ gấp mà đơn giá có thể thay đổi để phù hợp với tiến độ đưa ra.

NHỮNG ĐIỂM CẦN LƯU Ý KHI THI CÔNG NHÀ XƯỞNG CÔNG NGHIỆP

1. Tiếp nhận và bảo quản vật tư

  • Vật tư, nguyên liệu xây dựng là thành phần không thể thiếu, quyết định trực tiếp đến chất lượng công trình. Vật tư tốt xây dựng nên công trình chất lượng.
  • Phần lớn các đơn vị cung cấp vật tư một cách đầy đủ song có một số trường hợp giao nhận phát sinh số lượng, không đồng bộ về chủng loại.
  • Khi nhận hàng cần kiểm tra kỹ lưỡng cho khớp với hợp đồng mua bán, nhất là những sản phẩm có mã bằng tiếng Anh, mã in chìm như các chủng loại bu lông…cần kiểm tra cẩn thận.

2. Nền móng nhà xưởng

  • Với địa thế nhà xưởng nằm trên vùng đất mềm, yếu, bùn thì phần gia cố móng rất quan trọng để đảm bảo sự chịu lực cho những kết cấu thép bên trên.
  • Phần nền nhà xưởng sẽ tùy theo công năng sử dụng mà công ty xây dựng nhà thép tiền chế có cách bố trí thép sàn sao cho hợp lý. Ngoài ra, phần đổ bê tông nhà xưởng theo độ dày 10, 20, 30 hay 50cm cũng vô cùng quan trọng. Bởi vì có những nhà xưởng lắp đặt các loại máy móc thiết bị sản xuất có tải trọng lên đến vài chục tấn/m2.
  • Khi đổ xong nền móng bê tông cho nhà xưởng thì cần phải tiến hành sơn lớp epoxy trên bề mặt để chống bám bụi và dễ lau chùi vệ sinh.

3. Bu lông móng

Phần lớn các công ty tham gia dịch vụ thi công nhà xưởng là những doanh nghiệp vừa và nhỏ nên các thiết bị phục vụ cho công tác lắp đặt bu lông móng thường thiếu thốn vì lý do đầu tư ban đầu cao. Điều này rất ảnh hưởng đến các công việc tiếp theo trong quá trình thi công.

4. Cột, kèo nhà xưởng

Khi thi công nhà xưởng, cột hay kèo thép chỉ nên thiết kế vừa phải để tránh bố trí thép thiếu hoặc thừa. Theo tiêu chuẩn thiết kế nhà xưởng, thông thường 1m sẽ lắp đặt khoảng 20-30kg thép, tùy theo quy mô của nhà xưởng và mức độ đầu tư tài chính của doanh nghiệp.

Với những nhà xưởng rộng, cần bố trí xe cẩu hợp lí để lắp đặt, tránh thanh kèo bị uốn cong, làm giảm tuổi thọ công trình.

5. Giằng nhà xưởng

Giằng nhà xưởng (giảng mái, giằng xà gồ, giằng đầu hồi) giúp tăng khả năng liên kết cho các bộ phận của công trình, đảm bảo tính ổn định của toàn bộ kết cấu khung trong thời gian xây dựng và sử dụng. Công đoạn này phải thi công thật tốt và chuẩn để làm căn cứ triển khai những công đoạn tiếp theo. Khi thi công xây dựng nhà xưởng cần chú ý lắp khoan giằng cứng ở hồi đầu tiên. Sau đó phải lắp đủ hệ thống cột, kèo, xà gồ, giằng mái…để đảm bảo an toàn, tiếp tục thi công công trình.

6. Mái tôn

Phần lắp đặt mái tôn cũng yêu cầu tấm tôn đầu tiên phải được làm cẩn thận, nó chính là tiêu chuẩn cho các tấm tôn tiếp theo. Bạn phải lấy đấu cho từng tấm tôn để đảm bảo chắc chắn tất cả các điểm nối gối lên nhau của tấm tôn phải nằm trên một đường thẳng, vuông góc với thanh xà gồ. Nếu không đảm bảo như vậy thì công đoạn lợp tôn mái giai đoạn cuối phải căn chỉnh vô cùng vất vả, không đảm bảo về kỹ thuật và thẩm mỹ, đồng thời ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

7. Vách ngăn

Khi thi công vách ngăn nhà xưởng cần phải kết hợp với bên xây dựng ngay từ đầu để đảm bảo ăn khớp công việc giữa bên lắp đặt với bên xây dựng.

8. Đảm bảo an toàn lao động

Với những vị trí thi công trên cao, công nhân cần được trang bị dây đai an toàn, có dây cứu sinh. Ngoài ra, tay nghề thi công của đội thợ cơ khí lắp dựng khung kèo nhà xưởng và đội thợ hồ thi công phần nền, móng, vách nhà xưởng cũng cần được đảm bảo. Đồng thời, việc thiết kế và xây dựng nhà xưởng cần tuân thủ đúng theo quy trình lắp dựng nhà thép tiền chế đã quy định.

 

Trên đây, là những thông tin chi tiết về nhà xưởng công nghiệp mà Châu Tuấn muốn chia sẻ. Hy vọng với những thông tin trên có thể giúp các bạn hiểu rõ hơn về loại công trình này.

Nếu vẫn còn những thắc mắc hay có vấn đề liên quan đến việc thi công nhà xưởng công nghiệp hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi.

Ngoài ra, công ty CHÂU TUẤN còn chuyên cung cấp, lắp đặt, sửa chữa ray cẩu cảng- Các dịch vụ tại cảng biển lớn nhỏ trên phạm vi toàn quốc và quốc tế.

Liên hệ ngay để được tư vấn miễn phí:

CÔNG TY TNHH XD - TM & DV CHÂU TUẤN

Địa chỉ: 158/22 Hoàng Hoa Thám, P. 12, Q. Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh

Email: chautuancons2010@gmail.com

Hotline: 028.2248.6888 - 0988.373.605

Website: chautuan.com – xaynhaxuong.vn

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha
02822486888